Ngoài động cơ – hộp số, hệ thống dẫn động cũng là thành phần quan trọng và không thể thiếu trên ô tô. Trong đó, dẫn động hai cầu đang là trang bị được nhiều khách hàng quan tâm khi mua xe. Dẫn động hai cầu lại gồm hai biến thể chính với hai ký hiệu là 4WD và AWD. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về ưu và nhược điểm của 2 loại dẫn động trong bìa viết này.
Dẫn động một cầu, hai cầu là gì?
Trên các dòng xe cá nhân thông dụng như sedan, hatchback chủ yếu sử dụng hệ dẫn động 1 cầu, hay dễ hiểu hơn là dẫn động 2 bánh. Đây là khái niệm cơ bản và dễ hiểu với hầu hết mọi người.
Hệ dẫn động cầu trước tức là chuyển động quay của động cơ được truyền xuống bánh trước. Như vậy, khi đạp ga, hai bánh trước sẽ kéo xe đi, hai bánh sau chỉ có nhiệm vụ lăn theo. Ngược lại, hệ dẫn động cầu sau là sức mạnh truyền tới hai bánh sau, hai bánh trước chỉ có nhiệm vụ dẫn hướng và lăn theo.
Hiểu tương tự như vậy, có thể giải thích hệ dẫn động hai cầu là lực từ động cơ được truyền xuống cả 4 bánh xe. Khi người lái đạp ga, cả 4 bánh đều nhận lực từ động cơ và quay để kéo xe đi. Đó là lý do mà kiểu dẫn động này còn được gọi theo cách dễ hiểu hơn là dẫn động bốn bánh.
Cũng như dẫn động 1 cầu, dẫn động 2 cầu cũng có 2 biến thể chính là Hai cầu bán thời gian (4WD – 4 wheel drive) và Hai cầu toàn thời gian (AWD – All wheel drive).
4WD
4WD – 4 Wheel Drive là kiểu dẫn động 2 cầu bán thời gian, nghĩa là người lái có thể lựa chọn khi nào dẫn động 1 cầu, khi nào dẫn động 2 cầu.
Trong đó, dẫn động 2 cầu cũng có tùy chọn chi tiết cho phép gài cầu tốc độ thấp (vượt địa hình khó) và gài cầu tốc độ cao. Việc lựa chọn này có thể được điều khiển bởi một trong hai cách:
• Cơ khí: sử dụng cần số phụ được bổ sung cạnh cần số chính.
• Điện tử: núm xoay hình tròn hoặc nút nhấn.
Ưu điểm của 4WD :
• Có sức tải tốt do cả 4 bánh xe vừa làm nhiệm vụ kéo và đẩy xe chuyển động
• Nhờ khả năng gài cầu chậm nên xe dẫn động 4WD có thể leo dốc tốt và đặc biệt khả năng chạy trên đường có bùn đất/sỏi đá/gồ ghề tốt hơn nhiều lần so với xe dẫn động 2 bánh và xe dẫn động AWD.
• Người lái có thể chủ động sử dụng chế độ 4WD khi di chuyển trên đường xấu và quay về chế độ 2WD với mặt đường phẳng giúp tăng khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Nhược điểm của 4WD:
• Mỗi chế độ gài cầu có đặc tính riêng, không thể sử dụng hiệu quả cho tất cả điều kiện địa hình.
• Đòi hỏi người lái phải có kiến thức nhất định để lựa chọn chế độ gài cầu phù hợp.
• Kích thước lớn, chiếm nhiều không gian dưới gầm xe, khiến trọng tâm xe bị nâng cao, khả năng cân bằng xe kém khi di chuyển hoặc vào cua ở tốc độ cao.
Với những đặc điểm trên, hệ dẫn động hai cầu bán thời gian 4WD thường được trang bị trên những mẫu SUV gầm cao và bán tải. Đây là những dòng xe được tạo ra để vận hành thường xuyên ở những điều kiện khắc nghiệt và hiểm trở (bùn đất, đèo dốc cao, băng tuyết,…).
Như vậy, những mẫu xe 4WD sẽ phù hợp với những tay lái yêu thích off-road, mong muốn chinh phục các cung đường xấu. Hoặc đơn giản hơn, những khách hàng thường xuyên phải di chuyển trên các cung đường đèo dốc, địa hình mấp mô, bùn đất và sỏi đá cũng nên dành sự ưu tiên cho hệ dẫn động 4WD khi chọn mua xe.
AWD
Như đã đề cập, AWD – All Wheel Drive là kiểu dẫn động 2 cầu toàn thời gian. Từ cái tên, ta có thể dễ dàng suy ra những xe được trang bị AWD sẽ luôn luôn vận hành ở chế độ 2 cầu. Nói một cách dễ hiểu, xe trang bị AWD thì lúc nào cũng được dẫn động 4 bánh. Người lái không thể chuyển sang chế độ 1 cầu như trên 4WD.
Tuy nhiên, dẫn động 4 bánh toàn thời gian không có nghĩa là 4 bánh được nhận cùng một lượng mô-men xoắn như nhau. Ví dụ, khi chạy trên đường nhựa phẳng, điều kiện thời tiết khô ráo, tỷ lệ mô-men truyền tới cầu trước - cầu sau là 80 – 20. Ngược lại thì khi đường trơn trượt (hay nói chung là những tình huống cần đưa nhiều lực hơn tới bánh sau), xe sẽ phân phối lại theo tỷ lệ khác (ví dụ cầu trước 60 - cầu sau 40).
Tất cả những việc này đều do xe tính toán và tự động thực hiện, tài xế không cần can thiệp. Do vậy, thiết kế bảng táp-lô, khu điều khiển trung tâm của phiên bản AWD tương tự như trên những xe một cầu 2WD, chỉ khác nhau ở cấu tạo bên trong hệ dẫn động. Tài xế lái xe hai cầu dạng AWD cũng giống như lái xe một cầu, không cần làm gì thêm.
Ưu điểm của AWD:
• Thân thiện với đại đa số khách hàng: hệ thống máy tính tự động phân phối lực kéo vì thế người lái không cần phải can thiệp.
• Luôn phân bổ lực kéo đến 4 bánh xe theo tỉ lệ phù hợp, nhờ đó tăng khả năng bám đường khi vào cua, khi tăng tốc, đồng thời tối ưu lực kéo khi đi đường trường, đường xấu.
• Tăng độ ổn định khi đi trên những đoạn đường lầy lội, trơn trượt.
• Khả năng vận hành và cảm giác lái của xe cũng được nâng cao hơn.
• Hệ thống có khối lượng và kích thước tương đối nhỏ gọn. Do đó, ngoài những mẫu SUV/crossover gầm cao, những mẫu xe sedan hay xe thể thao đều dễ dàng tích hợp hệ thống này.
Nhược điểm của AWD:
• Vì sử dụng nhiều hệ thống điện tử, và cấy tạo phức tạp, hệ thống này tương đối đắt đỏ và thường chỉ được trang bị trên những dòng xe cao cấp có tầm giá trên 1 tỷ đồng.
• Hệ thống này tập trung vào việc khắc phục nhược điểm của hệ thống dẫn động 4 bánh bán thời gian khi đi trên đường trường, và vì thế mất đi tính năng gài cầu chậm khiến khả năng vượt địa hình vẫn xem là một hạn chế lớn với hệ thống dẫn động AWD.
• Hệ thống AWD không có cơ chế gài cầu chậm như 4WD nên khả năng vượt các địa hình hiểm trở và khắc nghiệt không bằng so với 4WD.
Với những đặc điểm trên, hệ thống dẫn động hai cầu toàn thời gian AWD thường được trang bị trên những xe sử dụng khung gầm liền khối (unibody), chú trọng hiệu năng vận hành hơn là khả năng vượt địa hình đơn thuần.
Do đó, những xe trang bị AWD hướng đến một tập khách hàng rộng hơn. Những khách hàng này sẵn sàng chi tiền để nâng cấp lên phiên bản AWD của một dòng xe để tận hưởng trọn vẹn hơn khả năng vận hành và độ an toàn của mẫu xe đó. Đồng thời, những đánh đổi về khả năng vượt địa hình quá hiểm trở cũng được đa số khách hàng chấp nhận do không phải ai cũng vận hành xe ở những điều kiện như vậy, ít nhất là không quá thường xuyên.